Giới Luật Chúa Thứ Bảy và Thứ Mười

 

 

178-  Giới luật Chúa thứ bảy và thứ mười là hai điều răn bảo vệ quyền tư hữu của con người, (nhân vật có thực quyền hay được hưởng quyền làm chủ và sử dụng những gì thuộc về mình), cấm phạm đến những gì liên quan đến quyền này, (về vật lý như của cải, về thể lý như thân xác, về sinh lý như trinh tiết, về tâm lý như danh dự v.v.), bằng hành động thực sự bên ngoài hay dù chỉ có tâm tưởng bên trong.

 

179-  Tính chất nặng nhẹ của tội bất công, một tội phạm đến quyền sở hữu trực thuộc của kẻ khác ngược với ý muốn của họ, như việc đánh cắp hay làm hại của ai, được căn cứ vào mức độ thiệt hại do việc làm bất công này gây ra, như sẽ thành tội trọng nếu trị giá đồ vật bị đánh cắp hay phá hư bằng số tiền (theo thời giá và điều kiện sống bấy giờ) có thể nuôi nạn nhân (và cả gia đình người ấy nếu có) trong một ngày.

 

180-  Đánh cắp là việc lấy trộm đồ của người khác để làm của riêng mình, (kể cả việc lừa đảo, không trả lại đồ mất mình biết của ai, không trả nợ), ngoài ý muốn hợp lý của chủ nhân, (do đó, không có lỗi khi người ở cho kẻ khó đồ ăn dư của chủ đổ đi, hay trong cơn quẫn bách lấy trộm của người không bị quẫn bách như mình, hoặc nhân công lấy bù cho đủ những gì bị chủ nhân bóc lột bất công trái với hợp đồng).

181-  Tội ăn trộm là một tội trọng nếu số lượng đánh cắp lớn, dù là ăn cắp làm nhiều lần song có ý lấy cho được số lượng lớn đó, hay lấy số lượng lớn đó trong vòng một thời gian ngắn dù không có ý lấy trọn. Tuy nhiên, tùy theo liên hệ, vợ có thể lấy của chồng gấp bốn lần và con có thể lấy gấp hai lần số lượng lớn cần để làm thành tội trọng, và tùy theo thuộc chủ, nếu của trộm do nhiều người mà có thì nhẹ tội hơn.

 

182-  Làm hại đồ của người khác có thể là do việc phá hoại đồ của nhau, do cản trở (bằng phương tiện không được phép) nhau có một vật gì đó (trực thuộc quyền sở hữu của họ), hoặc do tội chểnh mảng (criminal negligence) của mình. Tội nặng nhẹ được căn cứ vào mức độ gây thiệt hại nhiều ít.

 

183-  Buộc phải trả lại của đã đánh cắp và đền bù những gì mình đã làm hại (kể cả do hiếp dâm và ngoại tình) người khác một cách tương xứng (như lấy cái gì trả cái ấy hay ít là đồng giá) và thích đáng (như cho chính nạn nhân), trừ trường hợp hoàn toàn bất khả kháng ngoài ý muốn.